Thứ Hai, 23 tháng 11, 2015

Mỹ Lan: Kinh doanh sự khác biệt

Chú là bạn thân của bác Alan Phan, nghe bác alan Phan quảng cáo, vào nhà vệ sinh của cty Mỹ Lan như khách sạn 5 sao thì đủ biết công ty đó thế nào ! :D
Mỹ Lan là doanh nghiệp Việt Nam đầu tiên và là công ty thứ 12 trên thế giới sản xuất vật liệu quang điện tử. 

 Năm 2004,  một người đàn ông từ Canada trở về Trà Vinh lập công ty. Có người đã gọi ông là “Việt kiều té giếng”, bởi trong khi người người chọn thành phố làm điểm đến thì ông lại về vùng quê nghèo nhất miền Tây để đặt bản doanh. Không làm qua quýt tạm bợ, ông dựng luôn cơ ngơi đồ sộ tại đây. Trà Vinh 10 năm sau ngày ông Nguyễn Thanh Mỹ, người sáng lập kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Mỹ Lan, trở về đã trở thành một “thung lũng Silicon thu nhỏ” của Việt Nam.

Đầu tiên, ông Mỹ dấn bước vào lĩnh vực hóa ứng dụng và vật tư in, ngành mà ông đã có nhiều phát minh được thế giới công nhận và đạt thành công ở American Dye Source (ADS) - công ty do ông sáng lập tại Canada. Trong đó, đáng chú ý nhất là phát minh ra vật liệu bản in CTP (computer-to-plate). Đây là công nghệ đã được đăng ký bản quyền tại nhiều nước như Thổ Nhĩ Kỳ, Ukraine, Canada, Hàn Quốc, Thái lan, Indonesia...
Từ công nghệ này, mỗi năm Tập đoàn Mỹ Lan cho ra đời 10 triệu m2 bản in, phần lớn được xuất đi các nước. Đối với thị trường trong nước, bản in CTP của Mỹ Lan chiếm hơn 60% thị phần.
Qua thời gian, công nghệ CTP của Mỹ Lan đã có nhiều cải tiến. Tập đoàn đã phát minh ra 3 loại bản in CTP thân thiện với môi trường là Aquatherm® SP1, Aquatherm® SP2 và  EcoViolet™ NP40. Cả 3 loại bản in này đều được tạo hình với mức năng lượng thấp hơn, không dùng hóa chất để hiện bản và có thể sử dụng được với mực in UV. Theo ông Mỹ, những sản phẩm này hứa hẹn tạo doanh thu hơn 2.000 tỉ đồng trong 4 năm tới. Hiện tại, lĩnh vực in CTP và vật tư ngành in liên quan (máy rửa bản in, nước rửa bản in...) đang là nguồn thu chính của Tập đoàn Mỹ Lan, góp khoảng 70% tổng doanh thu.
Nhìn thấy cơ hội ở Mỹ Lan, cách đây 5 năm, Quỹ Đầu tư Vietnam Century Fund (thuộc Tập đoàn Đầu tư Jaccar) đã rót 12 triệu USD vào Mỹ Lan. Jaccar đã thoái bớt vốn khỏi Mỹ Lan nhưng theo ông Mỹ, tỉ lệ nắm giữ cổ phần của Jaccar tại Tập đoàn vẫn còn đáng kể.

Mỹ Lan đã bắt tay với Hewlett-Packard (Mỹ) để sản xuất mực in. Mực in do Tập đoàn Mỹ Lan sản xuất có thể in trên giấy, trên bao bì, nhựa. Nhiều loại mực dùng trong bảo mật, chỉ khi chiếu đèn UV mới có thể nhận biết. Tập đoàn cũng sản xuất ra máy in phun kỹ thuật số phục vụ trong công nghiệp mang thương hiệu Vjet®, một trong những sản phẩm đinh của Tập đoàn. Ngoài ra Mỹ Lan đã nghiên cứu hệ thống máy in tích hợp HybribJET.
Ông Nguyễn Thanh Mỹ chia sẻ thêm về in dữ liệu biến đổi trên vé số, thẻ cào, hóa đơn… từ hệ thống máy in tích hợp. Hầu như không có công ty Việt Nam nào đủ khả năng cung ứng giải pháp in ấn này nên Tập đoàn có kế hoạch làm việc với các công ty sổ xố để giới thiệu các tiện ích về kiểm soát gian lận, chống làm giả vé số để gia tăng lợi nhuận. Tính chung, mảng mực in và các sản phẩm liên quan hiện chiếm 10-20% doanh thu Tập đoàn.
Nhưng màng bao bì mới là lĩnh vực được Mỹ Lan đẩy mạnh. Đây là ngành đã được Tập đoàn đầu tư hàng chục triệu USD và nghiên cứu trong nhiều năm. Màng bao bì của Mỹ Lan là dạng bao bì đa lớp (3-5 lớp) phục vụ cho các ngành như thực phẩm, dược phẩm... có khả năng cản khí, chống thẩm thấu oxygen cao và cho thời gian sử dụng sản phẩm tươi kéo dài gấp 2-3 lần so với bao bì thông thường. Chính đặc điểm này mà giá bán sản phẩm bao bì của Mỹ Lan cao từ gấp rưỡi trở lên. Tập đoàn đang làm việc với nhiều công ty thực phẩm như Tập đoàn CP, Vissan để tìm đầu ra đảm bảo cho sản phẩm.
Loại sơn dẻo dùng trong giáo dục và giải trí cho trẻ em dự kiến sẽ ra mắt thị trường cuối năm nay. Tuy nhiên, những sản phẩm ấp ủ và được kỳ vọng nhất lại liên quan đến ứng dụng công nghệ điện toán đám mây. Năm ngoái, Tập đoàn đã lập Công ty Rynan Technologies Vietnam để chuyên nghiên cứu, sản xuất các vi mạch điện tử thông minh, các thiết bị cảm biến thông minh và cung cấp dịch vụ chống giả - bảo mật.
Thiết bị cảm ứng nhiệt độ lưu trữ không dây đã được sản xuất và bán đại trà trên thị trường, cho mục đích kiểm soát thông tin nhiệt độ, độ ẩm, vị trí của lô hàng đông lạnh trong kho hoặc khi di chuyển. Sắp tới đây, Mỹ Lan sẽ tung ra thị trường khóa thông minh, đồng hồ nước và công cụ chống hàng giả.
Ông Mỹ cho biết, khi được tung ra thị trường, đồng hồ nước của Mỹ Lan sẽ khác với tất cả các sản phẩm đồng hồ nước hiện nay. Đó là một dạng đồng hồ thông minh, cho phép người dùng thông qua một ứng dụng trên điện thoại di động, có thể liên tục cập nhật thông tin về tình hình tiêu thụ nước, từ đó điều chỉnh và hình thành ý thức tiết kiệm nước.
Đối với nhà cung cấp, lắp đặt đồng hồ nước này sẽ giúp họ phát hiện, nắm bắt kịp thời tình hình rò rỉ, thất thoát nước, xác định chính xác vị trí bị sự cố để khắc phục nhanh chóng. Hệ thống dữ liệu từ SaaS (Software as a Service) cũng sẽ cung cấp dữ liệu, lịch sử tiêu thụ nước của từng khách hàng, từng vùng để các nhà cung cấp nước có kế hoạch kiểm soát, quản lý, phân phối nước hợp lý.
Theo ông Mỹ, các đơn vị sử dụng dịch vụ đồng hồ nước thông minh của Mỹ Lan sẽ không phải tốn kém chi phí đầu tư thiết bị, phần mềm, không cần đội ngũ phát triển và bảo trì bởi Tập đoàn có những chương trình hỗ trợ và việc triển khai cũng mau chóng, dễ dàng. Tiện ích hơn, lại giúp tăng lợi nhuận cho các công ty cấp nước nên ông Mỹ tự tin sản phẩm đồng hồ nước thông minh này một khi ra mắt sẽ có chỗ đứng trên thị trường.


Đối với dịch vụ chống hàng giả, Mỹ Lan sẽ thiết kế mã vạch cho từng sản phẩm. Mỗi mã vạch tương ứng với một số ký tự đã được mã hóa mà chỉ trung tâm dữ liệu của Mỹ Lan mới đọc được. Mã vạch này được in giữa 2 lớp khép, đậy của bao bì sản phẩm. Điều này giúp mã vạch không bị cào hay sao chép được.
Để làm được những sản phẩm kể trên, ông Mỹ cho biết, cần rất nhiều yếu tố. Chẳng hạn, trung tâm dữ liệu đòi hỏi phải được đầu tư lớn, với vài chục hệ thống server (khoảng 450.000 USD/hệ thống). Hay Mỹ Lan có thế mạnh về in kỹ thuật cao nên mới có thể kết hợp triển khai in mã vạch chống giả lên sản phẩm. Các công nghệ, quy trình, nguyên lý hoạt động của sản phẩm... đều là những phát minh thuộc bản quyền Tập đoàn. Đây là lý do để ông Mỹ không lo bị cạnh tranh. Sản phẩm Mỹ Lan thậm chí còn xuất khẩu sang Trung Quốc, một quốc gia rất mạnh về hóa chất.
Sáng tạo ra những sản phẩm thật cần thiết, khác biệt, đầu tư bài bản và làm thật tốt là cách để sản phẩm Mỹ Lan đứng vững trên thị trường, theo ông Mỹ. Tạo dựng một thế giới xanh hơn cũng là mục tiêu phát triển bền vững của Tập đoàn. Có lẽ đó là lý do mà chỉ sau 10 năm, Tập đoàn Mỹ Lan đã trở thành doanh nghiệp Việt Nam đầu tiên và là công ty thứ 12 trên thế giới sản xuất vật liệu quang điện tử, có doanh thu hằng năm trên 20 triệu USD

Không có nhận xét nào: