Nga đang chuẩn bị áp dụng
các biện pháp trừng phạt kinh tế trên diện rộng đối với Thổ Nhĩ Kỳ
liên quan tới vụ phi cơ Nga bị bắn hạ ở khu vực biên giới Thổ Nhĩ
Kỳ-Syria.
Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev nói các biện pháp có thể gồm cả việc ngưng các dự án hợp tác đầu tư.
Ông nói ông hy vọng sẽ có được dự thảo về các biện pháp này trong vòng hai hôm tới.
Ankara đã công bố cái mà họ gọi là đoạn ghi âm nội dung cảnh báo đã phát ra đối với phi cơ Nga SU-24 về việc xâm phạm không phận Thổ Nhĩ Kỳ.
Moscow nói chiếc máy bay đã bị bắn hạ mà không hề có cảnh báo trong lúc đang tiến hành ném bom Syria hôm thứ Ba.
Phát biểu tại cuộc họp nội các tại Moscow được phát trên truyền hình, ông Medvedev nói "chính phủ đã được lệnh đưa ra một hệ thống các biện pháp đáp trả hành động gây hấn này trong các lĩnh vực kinh tế và nhân đạo".
Ông gọi vụ bắn hạ máy bay của Nga "là hành động gây hấn" của Thổ Nhĩ kỳ, nước là "láng giềng và thành viên Nato".
Ông nói mục tiêu sẽ là "đưa ra các giới hạn hoặc các lệnh cấm" đối với các lợi ích kinh tế của Thổ Nhĩ Kỳ tại Nga và "hạn chế việc cung ứng" các sản phẩm, trong đó gồm cả đồ nông sản.
Ông nói các dự án đầu tư, các hoạt động du lịch, giao thông vận tải, thương mại, lao động và thuế quan cũng như "các quan hệ nhân đạo" sẽ đều bị ảnh hưởng.
Chiếc phi cơ lao xuống vùng núi thuộc lãnh thổ Syria sau khi bị trúng hỏa tiễn phóng ra từ một chiến đấu cơ F-16 của Thổ Nhĩ Kỳ hôm thứ Ba.
Cả hai phi công đã nhảy ra khỏi máy bay. Một người bị các phiến quân Syria bắn chết khi dù tiếp đất. Người kia được cứu thoát trong một điệp vụ khiến một quân nhân Nga khác bị giết chết.
Quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Nga, là các bên hậu thuẫn cho các phe đối lập nhau trong cuộc nội chiến Syria, đã trở nên hết sức căng thẳng sau vụ vừa rồi.
Hoa Kỳ, Liên hiệp Âu châu và Liên hợp quốc đều lên tiếng kêu gọi các bên bình tĩnh.
Trước đó, Tổng thống Vladimir Putin nói Nga vẫn chưa nhận được "một lời xin lỗi rõ ràng" từ các lãnh đạo của Thổ Nhĩ Kỳ, cũng như chưa hề nhận được đề nghị bồi thường hay hứa hẹn "trừng phạt những kẻ phạm tội" nào quanh vụ bắn hạ máy bay.
"Người ta có cảm giác là giới lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ đang cố tính đẩy quan hệ Nga-Thổ vào ngõ cụt," ông nói.
Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ nói họ đã ra 10 cảnh báo đối với chiếc phi cơ Nga trước khi bắn hạ trong không phận Thổ, và công bố đoạn ghi âm để chứng minh.
"Thay đổi hướng bay về phía nam ngay lập tức," đoạn âm thanh phát ra bằng tiếng Anh.
Thổ Nhĩ Kỳ cũng nói rằng họ đã cố gắng cứu hai phi công chiếc oanh tạc cơ SU-24 và không hề biết đó là máy bay Nga cho tới khi nó bị bắn hạ.
Phi công Nga còn sống nói hôm thứ Tư rằng đã không hề có lời cảnh cáo nào được phía Thổ đưa ra.
Cơ trưởng Konstantin Murakhtin cũng nhấn mạnh rằng ông nắm "rất rõ" khu vực này và "không thể" có chuyện chiếc phi cơ đi vào không phận Thổ "dù chỉ một giây".
'Biện pháp ngoại giao và tháo gỡ căng thẳng'
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan lên tiếng bảo vệ hành động của quân đội nước mình, nói "mọi người đều phải tôn trọng quyền của Thổ Nhĩ Kỳ trong việc bảo vệ biên giới của mình".Ông nói ông không muốn làm căng thẳng leo thang thêm nữa.
Thổ Nhĩ Kỳ là thành viên Nato. Liên minh quân sự này đã ủng hộ cách giải thích của Ankara về vụ việc nhưng cũng kêu gọi dùng "biện pháp ngoại giao và tháo gỡ căng thẳng" để giải quyết tình hình.
Nga ủng hộ Tổng thống Bashar al-Assad trong cuộc xung đột Syria, còn Thổ Nhĩ Kỳ thì cương quyết chỉ trích.
Nga đã tiến hành các vụ không kích nhắm vào các phe đối lập với Tổng thống Assad kể từ cuối tháng Chín tới nay.
Thổ Nhĩ Kỳ tham gia liên quân do Hoa Kỳ dẫn đầu chống lại nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS).
Nguồn: http://www.bbc.com/vietnamese/world/2015/11/151126_russia_sanctions_turkey
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét